A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ma Văn Kháng - Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương

‘’Lịch sử mỗi đời người là một dòng chảy tự nhiên thì cứ để nó tự nhiên vận hành. Đời có may có rủi, may rủi là một hằng số thì việc gì phải bận tâm. Tù mù vốn là bản chất và sức quyến rũ của số phận.’’ – Ma Văn Kháng.

‘’Lịch sử mỗi đời người là một dòng chảy tự nhiên thì cứ để nó tự nhiên vận hành. Đời có may có rủi, may rủi là một hằng số thì việc gì phải bận tâm. Tù mù vốn là bản chất và sức quyến rũ của số phận.’’ – Ma Văn Kháng.

 

Thói thường người ta chỉ nhớ đến những gì hạnh phúc nhất hoặc đau khổ nhất chứ mấy người chủ tâm nhặt nhạnh, thu gom những mảnh vui buồn vừa vừa rải rác khắp cuộc đời để gom lại thành tấm thành món. Bác Ma Văn Kháng tẩn mẩn tha gom những mảnh kí ức ấy của đời mình vào cuốn hồi kí mang cái tên là lạ là Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương

 

Với một thằng 7x nửa sau biết chút chút cảnh xếp hàng trông cục gạch ở kho gạo đường tàu bay, chút chút gạo đỏ mậu dịch, rau nát thời bao cấp, cảnh xô đẩy xếp hàng mua báo nhân dân trước cửa bưu điện thì cuốn hồi kí phần lớn về thời bao cấp ấy có khi phải mang nhiều sự chỉ trích, chê bôi cái hệ thống kinh tế kì quặc ấy. Vậy mà giống như bác Bùi Ngọc Tấn, bác Ma cũng giữ một giọng kể nhẹ nhàng, thậm chí có khi còn têu tếu về những sự cười ra nước mắt của cuộc sống thời ấy.

 

Những khó khăn rồi khí thế hừng hực của đám sinh viên mới tốt nghiệp từ miền xuôi lên miền ngược để mang cái chữ đến với học sinh. Số phận bi thảm của những con người cốt cách như sao khuê do không chịu lẫn vào đám sâu bọ, những quan niệm kì quặc của phong trào hợp tác xã hóa, rồi cuộc sống ngột ngạt ở thành thị với 5 con người trong 1 chục mét vuông. Người đọc cũng không khỏi khâm phục ý chí của những nhà văn thời ấy (đảm bảo hai nhà văn còn viết bằng tay và bằng đầu hiện nay là Nguyễn Việt Hà và Nguyễn Huy Thiệp cũng phải phát điên quẳng bút nếu rơi vào tình cảnh này): viết tay bản thảo 600 trang đợi 1 năm sau mới có phản hồi, viết lại 600 trang và rồi viết lại lần thứ ba 600 trang nữa mới ra được tiểu thuyết đầu tay. Nhọc nhằn như thế nhưng nhuận bút thì cũng thôi rồi: đủ mua một căn nhà 50 m2 ở Hà Nội. Rồi cái sự đổi tiền ập đến (1983), chỉ sau một đêm, ngôi nhà chưa kịp mua ấy bốc hơi vì nhà nước đổi tiền. Đoạn từ sau bao cấp thì ít hấp dẫn hơn vì dường như mọi thứ đã vào khuôn phép. Tuy nhiên cũng có những đoạn thú vị tả cảnh người người đi buôn lậu từ nam chí bắc, từ ta sang tay, từ tây sang ta. Nhà văn, nhà báo, quan chức, xuất khẩu lao động,..ai ai cũng chăm chắm buôn lậu đổi đời. (Cái này làm mình nhớ cảnh ông già mang mấy chỉ vàng sang Nga năm 1987 và ních mấy cái quần bò, áo phông cá sấu lên người đổi lại bằng cái tủ Saratop, ấm Samovar, nồi niêu xoong chảo, chậu nhôm dày kịch).

 

Khoảnh lịch sử từ năm 54 đến cuối thế kỷ 20 của Việt Nam miền Bắc trải trên 600 trang giấy không cực kì hấp dẫn nhưng cũng là món ăn khá vừa miệng với những kẻ nghiền lịch sử cận đại nhiều vùng tối của nước mình. Kỷ niệm của bác trải từ Hà Nội với các văn sỹ, dịch giả hàng đầu của VN, đến những vùng đất miền Nam, từ chuyện buôn lậu đến chuyện uống rượu la đà ở những miền đất phương Nam.

Gừng càng già càng cay, mừng là mấy bác già chịu khó viết hồi kí cho con cháu sau này biết nhiều hơn đến lịch sử để mà rút kinh nghiệm.

Một quyển sách nhiều khi chỉ đọng lại 1 câu, quyển này có tới 2 câu này:

 

Vạn sự thế gian đều là bèo bọt cả

Nghìn kiếp chỉ còn lại chút tình người thôi.

 

‘’Lịch sử mỗi đời người là một dòng chảy tự nhiên thì cứ để nó tự nhiên vận hành. Đời có may có rủi, may rủi là một hằng số thì việc gì phải bận tâm. Tù mù vốn là bản chất và sức quyến rũ của số phận.’’

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan